CEO Công ty Bảo vệ Bình An: Chúng tôi đã sẵn sàng để cạnh tranh
“Chiến lược cạnh tranh của Bình An (BAS) được chia thành ba cấp: cấp công ty, cấp kinh doanh và cấp chức năng và được thực hiện đồng bộ từ cấp cao nhất đến cấp nhỏ nhất”, Ông Ngô Bàng Long – Tổng giám đốc Công ty Bảo vệ Bình An chia sẻ.
21/10/2016 8:00 GTM+7
Ra đời vào năm 2008, thời điểm lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ bảo vệ ở Việt Nam bắt đầu phát triển. Sau nhiều năm xây dựng và trưởng thành, Công ty Bảo vệ Bình An hiện là một trong những doanh nghiệp có lực lượng bảo vệ hùng hậu, được huấn luyện bài bản, tinh nhuệ và kỷ luật cao. Với phạm vi hoạt động trên 55 tỉnh thành, 5 chi nhánh khắp cả nước, Bình An hiện là đối tác cung cấp dịch vụ bảo vệ cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Với triết lý “lấy nhân viên bảo vệ làm gốc”, lãnh đạo Bình An đang cùng với các cộng sự của mình chuẩn bị mọi nguồn lực đưa doanh nghiệp bước vào cạnh tranh và giành ngôi vị cao hơn trên thị trường.
Xin anh cho biết Công ty Bình An ra đời trong hoàn cảnh nào và cái tên Bình An có nghĩa là gì?
Năm 2004, tôi là một trong những cổ đông sáng lập ra một doanh nghiệp cũng hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ và kiêm Phó tổng giám đốc kinh doanh của công ty. Trong suốt thời gian tại đây, tôi đảm nhiệm toàn bộ mảng kinh doanh đồng thời kiêm trưởng ban cố vấn nghiệp vụ. Sau rất nhiều nỗ lực, chúng tôi đưa công ty lọt vào top một trong 10 công ty bảo vệ mạnh nhất Việt Nam.
Nhưng đến năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế diễn ra, các doanh nghiệp trong nước đối diện với sự đào thải, cạnh tranh khốc liệt, lúc đó công ty đã buộc phải chọn phương án M&A (mua bán sáp nhập doanh nghiệp) để tiếp tục tồn tại và phát triển. Nhận thấy không còn cùng chí hướng với công ty này, nên tôi quyết định từ chức, bán toàn bộ cổ phần tại đây.
Sau đó, nhận thấy vẫn còn nặng nợ với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bảo vệ, tôi cùng với vài anh em, bạn bè thân thiết chung vốn lập ra công ty bảo vệ Bình An. Sở dĩ tôi đặt tên công ty là Bình An “vì hồi bé, mỗi đêm hè mất điện cả nhà quây quần ở sân hóng mát, bố tôi thường kể về những kỷ niệm 20 năm trong chiến trường Nam – Bắc. Bố nói rằng hồi đó chỉ mong: “hai chữ bình an”. Điều đó đã đi theo tôi suốt tuổi thơ và đến khi thành lập và đặt tên công ty.
Sự khác biệt trong các dịch vụ bảo vệ mà Bình An đang cung cấp so với các đối thủ trên thị trường là gì?
Trên thị trường kinh doanh dịch vụ bảo vệ hiện có khoảng hơn 1500 doanh nghiệp, trong đó có không ít đối thủ mạnh hơn chúng tôi. Ngoài ra, tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh cũng đang diễn ra trong nội bộ ngành khi mà có một số doanh nghiệp sử dụng “chiêu” giá rẻ, chất lượng kém, hoặc lôi kéo nhân sự của nhau.
Sự khác biệt trong các dịch vụ của chúng tôi là chất lượng luôn ổn định, giá cả luôn cạnh tranh. Sắp tới để tạo sự khác biệt, chúng tôi sẽ thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm bằng việc mở thêm các dịch vụ: “ứng cứu từ xa trọn gói” được tính phí theo năm, dịch vụ bảo vệ kiêm đưa đón học sinh đi học tại các thành phố lớn có tình trạng kẹt xe….
Theo anh, thách thức lớn nhất trong kinh doanh dịch vụ bảo vệ là gì?
Đây là lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn phụ thuộc vào hành vi, thái độ và trình độ của con người, nên có thể nói là một lĩnh vực kinh doanh rất nhạy cảm. Đó là lý do vì sao ngay từ những ngày đầu thành lập công ty, tôi đã trực tiếp bắt tay vào xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh, triết lý kinh doanh và văn hóa cho công ty.
Trong đó, quan trọng nhất là bộ nguyên tắc ứng xử nghề nghiệp với những điểm tối kỵ trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bảo vệ như: bảo vệ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ hành hung chủ quản.
Bên cạnh đó, cùng với việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong hệ thống nên dù lực lượng lên tới hàng ngàn người nhưng chúng tôi hoàn toàn kiểm soát được chất lượng dịch vụ của mình. Bằng chứng là chúng tôi chưa bao giờ bị khách hàng hủy bất kể hợp đồng nào, dù là nhỏ nhất. Năm 2004, chúng tôi vinh dự nhận “danh hiệu” Dịch vụ hoàn hảo của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam trao tặng.
Được biết, chương trình CEO – Chìa Khóa Thành Công của VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam) chuẩn bị đưa lên sóng câu chuyện thật về chiến lược cạnh tranh của công ty ông, điều này có đúng không thưa ông?
Đúng thế, Sắp tới đây chương trình CEO – Chìa Khóa Thành Công sẽ đưa câu chuyện thật của doanh nghiệp chúng tôi lên sóng truyền hình quốc gia. Và chính tôi là người tham gia giải quyết vấn đề chiến lược cạnh tranh cùng tiến sĩ Trần Quốc Việt – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô Miền Bắc và Ông Phùng Việt Thắng – Phó tổng giám đốc phụ trách toàn cầu hoá của Công ty FPT IS.
Sau chương trình, tôi đã có thêm nhiều ý tưởng, nhiều giải pháp cho chiến lược cạnh tranh sắp tới cho công ty.
Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về chiến lược cạnh tranh sắp tới của Bình An sau khi tham gia chương trình không?
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cùng với sự cạnh canh gay gắt, chúng tôi có đề ra cho mình 06 nhiệm vụ cần thực hiện:
– Củng cố thương hiệu của doanh nghiệp và ban lãnh đạo.
– Xây dựng một tổ chức đoàn kết với chỉ số CSR cao (chỉ số trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng).
– Duy trì và thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp.
– Giữ vững sự ổn định và nâng cao chất lượng với siêu thành tích “chưa để khách hàng nào hủy hợp đồng”.
– Mở rộng hệ thống khách hàng lớn cùng với dịch vụ chuyên sâu và đặc thù.
– Duy trị “Top 3 doanh nghiệp Việt Nam với nghiệp vụ chuyện sâu và hệ thống cán bộ quản lý khắp cả nước”
Triết lý kinh doanh mà cá nhân Anh theo đuổi là gì?
Triết lý kinh doanh mà cá nhân tôi theo đuổi chính là triết lý “tu thân”. Một doanh nhân muốn đưa doanh nghiệp trường tồn phải là một CEO giàu lòng nhân ái, biết người, biết ta và biết điểm dừng.
Tôi luôn nhắc nhở bản thân phải “tu thân, tề gia” mới đến trị doanh nghiệp (quản trị), rồi mới bình thị trường (bình định). Ngoài ra, tôi mong muốn sắp tới các hoạt động kinh doanh của công ty sẽ gắn kết với các hoạt động của cộng đồng nhiều hơn. Như tham gia chia sẻ khởi nghiệp cho sinh viên các trường kinh tế, tài trợ học bổng, từ thiện….
Bài học kinh doanh anh đúc rút cho mình sau hơn một thập kỷ lăn lộn trên thương trường là gì?
Thứ nhất, muốn phát triển chỉ cần cố gắng có thể đủ. Nhưng muốn doanh nghiệp trường tồn thì bản thân phải “học, học nữa, học mãi”. Thứ hai, muốn đi nhanh hãy đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau. Thứ ba, khi cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác sẽ mở ra. Hãy nỗ lực hết sức cho mỗi cánh cửa đó.
Nguồn: cafef.vn
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!